Truy cập nội dung luôn

Ba Tơ đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn kết hợp với chế biến sâu các sản phẩm từ gỗ

24/10/2022 10:58    613

Những năm gần đây, thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện Ba Tơ chú trọng phát triển rừng gỗ lớn, kết hợp với thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến gỗ thanh, ván lạng để nâng cao giá trị rừng trồng.

Khu rừng trồng gỗ lớn của Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ, tại thị trấn Ba Tơ, nhờ trồng rừng đúng mật độ và đúng kỹ thuật, cũng như việc tỉa thưa sau 5 năm trồng, nên cây phát triển tốt, hứa hẹn cho năng suất và chất lượng cao, đáp ứng cho việc chế biến gỗ gia dụng.

Ông Lê Văn Ninh- Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ cho biết, qua kết quả trồng rừng gỗ lớn, doanh nghiệp thực hiện khai thác mỗi năm 300ha, sản lượng gỗ đạt 145- 150m3/1ha, cao hơn 15- 20% so với kinh doanh gỗ dăm trên diện tích tương đương.

Huyện Ba Tơ là địa phương có diện tích rừng trồng lớn nhất tỉnh, với trên 9.000 ha và trên 523.000 cây phân tán. Mỗi năm, huyện thu hoạch hàng trăm nghìn tấn gỗ, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho địa phương. Nhưng trồng gỗ keo chỉ đơn thuần đáp ứng cho Nhà máy sản xuất dăm gỗ xuất khẩu thì không thể nâng cao giá trị rừng trồng, nên việc chuyển sang trồng rừng gỗ lớn là điều tất yếu.

Thế nhưng, một chu kỳ trồng rừng gỗ lớn phải mất ít nhất 10 năm. Sau 5 năm trồng là tiến hành thu hoạch tỉa thưa rừng để số cây còn lại phát triển, cho năng suất và giá trị cao là điều dễ dàng nhận thấy.

Huyện Ba Tơ tập trung vận động những hộ trồng rừng có diện tích lớn tham gia triển khai và đã có nhiều hộ dân hưởng ứng. Ông Nguyễn Đình Hà, ở xã Ba Động, huyện Ba Tơ cho biết, từ 4 - 5 năm, giá trị của rừng trồng gỗ lớn sẽ tăng được 40%, 5 - 6 năm sẽ tăng được 30%/1ha, đến 7 năm thì giá trị đạt xấp xỉ 200 tấn/1ha, với điều kiện là những hộ trồng rừng kế bên cũng không khai thác sớm. Nên với tôi thì phải cố gắng giữ cho được từ 5 năm rưỡi đến 6 năm thì năng suất rất đạt và nguồn thu mới có hiệu quả.

Ba Tơ chú trọng phát triển rừng gỗ lớn, kết hợp với thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến gỗ thanh

Nhờ thực hiện trồng rừng gỗ lớn, nên nhà máy ở Cụm công nghiệp xã Ba Động có nguồn nguyên liệu chế biến ổn định. Ông Phạm Xuân Vinh- Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết, để tăng giá trị trên một đơn vị sản phẩm của cây keo, thì huyện tập trung phát triển các Cụm công nghiệp. Hiện tại, trên địa bàn huyện có Cụm công nghiệp Ba Động và sắp tới, huyện sẽ đầu tư Cụm công nghiệp Ba Dinh và Cụm công nghiệp Ba Vì, kêu gọi các nhà đầu tư vào hoạt động trong Cụm công nghiệp để chế biến sâu các sản phẩm cây keo, không để băm dăm mà chủ yếu là làm ván ghép thanh và các sản phẩm khác từ cây keo, để tăng giá trị của sản phẩm, đồng thời cũng làm tăng thu nhập cho bà con nhân dân.

Ba Tơ kêu gọi các doanh nghiệp chế biến ván ghép thanh và các sản phẩm khác từ cây keo, để tăng giá trị của sản phẩm

Việc thực hiện chủ trương của tỉnh trồng rừng gỗ lớn, kết hợp với thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn là hướng đi đúng của huyện Ba Tơ, nhằm phát huy giá trị của rừng trồng, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Lam Uyên

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NGÃI

Địa chỉ: 52 Hùng Vương, Nguyễn Nghiêm, Quảng Ngãi

Điện thoại Ban Biên tập: 0255 3712 135 - Fax: 0255 3 822 217 - Email: bbt@quangngai.gov.vn

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Quốc Việt - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi

Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Ngãi.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này