Truy cập nội dung luôn

Quảng Ngãi: Dịch Covid-19 đã ảnh hướng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

25/04/2020 16:47    474

Báo cáo của UBND tỉnh cho thấy, từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Ngãi phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Bên cạnh một số kết quả tích cực như giá trị sản xuất công nghiệp (tăng 1,1%), sản lượng thủy sản (tăng 6,3%), kim ngạch xuất khẩu (tăng 109,5%) so với cùng kỳ năm 2019, thì nhiều lĩnh vực gặp khó khăn, thách thức
do dịch Covid-19.

Đó là sản xuất công nghiệp tuy duy trì được sự phát triển nhưng còn thấp so với mục tiêu đề ra; trong đó, GTSX công nghiệp khu vực kinh tế nhà nước giảm 3,2% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài giảm 15,8%.

Hiện nay, giá dầu thô giảm sâu cùng với nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước giảm mạnh ảnh hưởng đến hoạt động của Nhà máy lọc dầu Dung Quất; một số doanh nghiệp FDI, ngành dệt may, điện tử, giày da thiếu hụt nguyên vật liệu đầu vào do chủ yếu nhập khẩu nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Ngoài ra, một số sản phẩm công nghiệp xuất khẩu bị ngưng trệ sản xuất và giảm tiêu thụ như tinh bột mỳ, thủy sản chế biến, dăm gỗ nguyên liệu giấy, bánh kẹo các loại...

Giá dưa hấu giảm do dịch Covid-19

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông sản xuất khẩu cũng gặp rất nhiều khó khăn như: Vụ Đông Xuân 2020, toàn tỉnh gieo trồng khoảng 1.000 ha dưa hấu và 1.100 ha ớt. Từ đầu tháng 3 đến nay, dưa bắt đầu được thu hoạch trên diện tích khoảng 431,3 ha, năng suất ước đạt 292 tạ/ha, sản lượng 12.595 tấn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên dưa chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa, chưa xuất khẩu được, ứ đọng nhiều, giá bán thấp; ớt đang thu hoạch rải rác. Các ngành chức năng đã vận động các tổ chức, cá nhân trong nước thu mua, sản xuất chế biến các mặt hàng nông sản của tỉnh.

Công tác thu ngân sách của tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn và khó đạt kế hoach do dịch Covid-19. Đến nay, toàn tỉnh mới thu đạt 5.297 tỷ đồng, bằng 28,5% dự toán năm. Dự kiến, trong năm 2020, sẽ hụt thu nội địa khoảng 5.500 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó

Báo cáo cho thấy, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm đáng kể trong những tháng qua, số lượng đăng ký giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2019. Từ đầu năm đến nay, chỉ có 203 doanh nghiệp đăng ký mới, trong khi đó có tới 188 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động và 33 doanh nghiệp giải thể tự nguyện do đại dịch này.

Nhiều doanh nghiệp khó khăn, nên phải cắt giảm hợp đồng lao động. Từ đầu tháng 04/2020, có khoảng 4.458 lao động và hơn 1.401 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động. Ngoài ra, các chuyên gia nước ngoài không thể trở lại làm việc tại các doanh nghiệp, dự án dẫn đến hoạt động của các nhà máy sản xuất bị ngưng trệ, việc thi công các dự án bị gián đoạn, chậm tiến độ đề ra, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp. Đơn vị bị ảnh hưởng nặng nhất đó là Công ty CP thép Hòa Phát Dung Quất, do việc lắp đặt dây chuyền sản xuất 2 triệu tấn của Hòa Phát không thể thực hiện, làm chậm tiến độ của dự án khoảng từ 4-5 tháng.

Khu liên hợp Hòa Phát Dung Quất

Sớm đưa ra chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trở lại, trong thời gian qua, ngoài việc tỉnh đề ra nhiều giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh với mục tiêu kép là vừa thực hiện các biện pháp chống dịch, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm sức khỏe cho nhân dân và an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát, đề xuất Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền về chính sách giảm một số khoản phí, lệ phí nhằm giảm chi phí đầu vào của sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, chi phí liên quan đến người lao động; cắt giảm chi phí logistics.

Đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kết nối tiêu thụ mặt hàng nông sản xuất khẩu với thị trường Trung Quốc và tìm kiếm, giới thiệu các thị trường khác ngoài thị trường Trung Quốc để tiêu thụ các mặt hàng này, giảm bớt sự bấp bênh do phụ thuộc vào một thị trường; chủ động, can thiệp vào hệ thống các chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp Logistics, các hiệp hội, tập đoàn bán lẻ… hỗ trợ thu mua, bảo quản, tiêu thụ nông sản nói chung.

Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các Ngân hàng thương mại quan tâm, xem xét, sớm giải quyết theo thẩm quyền về việc nâng hạn mức tín dụng nhằm tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Hiện nay, số lượng lớn người lao động, chuyên gia nước ngoài bị tạm dừng nhập cảnh làm chậm tiến độ đề ra của các dự án, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp, đặc biệt, các vị trí thiếu hụt là các nhà quản lý hoặc chuyên gia rất khó tìm kiếm lực lượng thay thế trong nước. Do vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan có văn bản hướng dẫn thủ tục nhập cảnh cho các chuyên gia, lao động nước ngoài làm việc cho các dự án, công trình, doanh nghiệp lớn, trọng điểm, cấp thiết, trong đó có dự án thép Hòa Phát và Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn tại Khu Kinh tế Dung Quất.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Đối với Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn, UBND tỉnh đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan tạm ngưng nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu trong giai đoạn chưa kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 để hỗ trợ và ổn định thị trường cho các NMLD trong nước. Bộ Tài chính và Bộ Công thương xem xét loại bỏ các sản phẩm được chế biến từ tài nguyên dầu thô ra khỏi danh sách các sản phẩm không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu,…

B.T

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NGÃI

Địa chỉ: 52 Hùng Vương, Nguyễn Nghiêm, Quảng Ngãi

Điện thoại Ban Biên tập: 0255 3712 135 - Fax: 0255 3 822 217 - Email: bbt@quangngai.gov.vn

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Quốc Việt - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi

Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Ngãi.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này