Truy cập nội dung luôn

Mạnh dạn chuyển hóa rừng nguyên liệu thành rừng gỗ lớn

03/07/2020 17:35    786

Chuyển hóa rừng nguyên liệu thành rừng gỗ lớn là chủ trương đang được tỉnh khuyến khích thực hiện theo Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND ngày 9/12/2017 của HĐND tỉnh về quy định mức hỗ trợ đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn; hỗ trợ, khuyến khích trồng cây gỗ nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 nhằm  nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất, tạo vùng nguyên liệu gỗ lớn tập trung, ổn định lâu dài để chủ động cung cấp nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến sâu với hiệu quả kinh tế cao.

Chính sách của tỉnh

 

Triển khai Nghị quyết trên, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án hỗ trợ đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn; hỗ trợ, khuyến khích trồng cây gỗ nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, với mục tiêu chuyển hóa rừng trồng nguyên liệu gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn với diện tích trên 500 hatrên địa bàn các huyện Sơn Hà, Ba Tơ, Đức Phổ, Mộ Đức, Trà Bồng, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa và Sơn Tây.

 

So với keo gỗ dăm, keo gỗ lớn cho giá trị cao hơn từ 4-5 lần

 

Tổ chức, hỗ gia đình, cá nhân đăng ký tham gia trồng rừng gỗ lớn được ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện các biện pháp kỹ thuật lâm sinh chuyển hóa rừng 5 triệu đồng/ha, hỗ trợ tiền bảo vệ rừng 300 ngàn đồng/ha/năm trong thời kỳ chuyển hóa, hạn mức vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 15.000.000 đồng/ha, với mức lãi suất là 1,2%/năm.

 

Hiệu quả mang lại từ rừng gỗ lớn

 

Sau nhiều năm trồng keo nguyên liệu gỗ dăm, cộng với kinh nghiệm làm xưởng mộc, anh Huỳnh Anh Ngọc (44 tuổi) ở thôn Thọ Đông, xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh đã nhận ra giá trị to lớn của việc trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn. Năm 2019, anh đã mạnh dạn đăng ký tham gia chuyển hóa toàn bộ gần 26 ha rừng nguyên liệu gỗ dăm sang rừng nguyên liệu gỗ lớn. Hiện nay, diện tích rừng từ 4-5 năm tuổi của anh đã tiến hành tỉa thưa để lại số cây đúng với tiêu chuẩn rừng gỗ lớn.

 

Anh Ngọc cho rằng đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế và thị trường hiện nay. Quan sát rừng keo, anh nhận thấy, cây keo từ năm thứ 5 trở đi phát triển rất nhanh và không chăm sóc gì nhiều, thị trường cũng đang rất cần loại cây gỗ lớn này.

 

Anh Huỳnh Anh Ngọc bên cây keo 18 năm tuổi của gia đình

 

Theo anh, người trồng rừng trên địa bàn tỉnh nên đi theo hướng trồng rừng gỗ lớn, với giải pháp là chuyển dần; ai sở hữu nhiều diện tích rừng thì chuyển 5-7 ha, ít hơn thì 5-7 sào đến 01 ha.

 

Hướng đi bền vững của các công ty lâm nghiệp

 

Ngoài những cá nhân, hộ gia đình đang thực hiệnchuyển hóa diện tích rừng keo nguyên liệu sang rừng gỗ lớn như anh Ngọc nêu trên, thì Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ được xem là đơn vị trồng rừng tiên phong của tỉnh hiện đang triển khai thực hiện cách làm này.

 

Khu rừng gỗ lớn của Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ

 

Khu rừng trồng của Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ tại xã Ba Động, huyện Ba Tơ, nếu như trước đây, rừng trồng 5 năm tuổi thì tiến hành khai thác bán cho các nhà máy chế biến gỗ dăm, nhưng giờ Công ty quyết định tiến hành chuyển hóa thành rừng gỗ lớn theo chủ trương, chính sách của tỉnh. Ông Phạm Mân, Giám đốc Công ty cho biết, việc chuyển đổi từ rừng nguyên liệu thành rừng gỗ lớn là tiến hành khai thác, tỉa thưa, một ha từ 2.000 cây đến khi khai thác chỉ còn khoảng 800-1.200 cây, mỗi ha cho khoảng 240 m3 gỗ cung cấp cho nhà máy gỗ tinh chế.

 

Chuyển hóa từ rừng nguyên liệu sang rừng gỗ lớn, sau 5 năm trồng, chủ rừng thu hoạch tỉa thưa để bán một phần cho các nhà máy chế biến gỗ dăm. Số cây còn giữ lại sẽ trở thành gỗ lớn. Theo tính toán, 01ha rừng trồng gỗ lớn (chu kỳ 10 năm) cao hơn từ 4-5 lần so với rừng keo gỗ dăm, có thể đạt 450 – 500 triệu đồng/ha.

 

P.V

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NGÃI

Địa chỉ: 52 Hùng Vương, Nguyễn Nghiêm, Quảng Ngãi

Điện thoại Ban Biên tập: 0255 3712 135 - Fax: 0255 3 822 217 - Email: bbt@quangngai.gov.vn

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Quốc Việt - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi

Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Ngãi.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này