Truy cập nội dung luôn

Giải pháp cải thiện chỉ số PCI tỉnh Quảng Ngãi năm 2020 và những năm tiếp theo

09/06/2020 15:50    1347

Kết quả công bố PCI năm 2019 ngày 05/5/2020 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), PCI của Quảng Ngãi xếp thứ hạng 41/63 tỉnh, thành phố, với tổng số điểm đạt được 64,33 điểm, tăng 1,93 điểm và vẫn giữ vị thứ 41 trên bảng xếp hạng so với năm 2018, thuộc nhóm xếp thứ hạng khá.

Cùng với xu thế chung của cả nước, đối với tỉnh Quảng Ngãi các chỉ số như: Gia nhập thị trường, Tính minh bạch, Cạnh tranh bình đẳng, Thiết chế pháp lý và An ninh trật, Tiếp cận đất đai, Tính năng động của chính quyền tỉnh, Đào tạo lao động đã có sự tăng điểm, tăng bậc, trong đó có 04 chỉ số tăng điểm và tăng bậc, 03 chỉ có tăng điểm nhưng giảm bậc và 03 chỉ số còn lại đều giảm điểm, trong đó có chỉ số Dịch vụ hỗ trợ DN giảm điểm nhưng tăng bậc, và 02 chỉ số: Chi phí thời gian, Chi phí không chính thức đều giảm điểm, giảm bậc.

Chỉ số tăng điểm và tăng bậc

Chỉ số Gia nhập thị trường năm 2019 đạt 8,23 điểm, tăng 1,43 điểm và tăng 51 bậc so với năm 2018, xếp hạng 4/63 tỉnh, thành phố. Đây là chỉ số tăng điểm và tăng bậc tốt nhất trong 10 chỉ số thành phần của tỉnh Quảng Ngãi năm 2019. Nguyên nhân của sự tăng điểm này được cho là do thủ tục đăng ký doanh nghiệp trong thời gian qua đã được cán bộ hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ và giảm còn 88% so với năm 2018 là 91%.

Để tiếp tục tăng điểm số và giữ vững xếp hạng trong thời gian đến, cần tăng cường hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký kinh doanh qua phương thức mới: trực tuyến, bưu điện,…; bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn và thái độ ứng xử cho cán bộ, công chức làm ở bộ phận đăng ký kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục đổi mới, cải cách thủ tục, giảm thời gian đăng ký thành lập DN; đầu tư có chiều sâu cho CNTT, nâng cấp phần mềm quản lý hồ sơ DN...

Chỉ số Tính minh bạch năm 2019 đạt 6,96 điểm, tăng 0,31 điểm và tăng 2 bậc so với năm 2018, xếp hạng 8/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số này đã liên tục giảm điểm trong 02 năm 2017, 2018, đến năm 2019 đã được cải thiện về điểm số và thứ hạng. Do đó, cần tiếp tục cải thiện để tăng điểm số và giữ vững xếp hạng trong thời gian đến thông qua các giải pháp cụ thể: Thực hiện công bố rộng rãi, đầy đủ và kịp thời thông tin về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất...; các cơ chế chính sách của tỉnh; danh mục dự án kêu gọi đầu tư trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Cổng thông tin điện tử của các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố.

 

Đẩy mạnh xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và DN ngày càng tốt hơn.

Đảm bảo 100% hồ sơ giải quyết TTHC được thực hiện thông qua Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh; triển khai Hệ thống thông tin một cửa điện tử dùng chung đến 100% cấp xã, phấn đấu trong năm 2020 đạt tối thiểu trên 60% hồ sơ giải quyết TTHC cấp huyện và cấp xã được quản lý trên môi trường mạng.

Đồng thời, cung cấp hầu hết các TTHC sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4, đặc biệt chú trọng TTHC các lĩnh vực: đăng ký kinh doanh, xây dựng, đất đai, đầu tư, tư pháp, bảo hiểm xã hội, kê khai và nộp thuế,...

Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng năm 2019 đạt 5,46 điểm, tăng 0,89 điểm và tăng 6 bậc so với năm 2018, xếp hạng 54/63 tỉnh, thành phố. Mặc dù chỉ số này tăng điểm, tăng bậc so với năm 2018 nhưng kết quả xếp hạng thấp nhất trong các chỉ số thành phần của tỉnh năm qua.

Nguyên nhân của việc xếp hạng thấp là do doanh nghiệp FDI và các nhà đầu tư lớn nhận được ưu tiên giải quyết các khó khăn hơn DN dân doanh.

Để cải thiện chỉ số này, trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị chú trọng thực hiện sự bình đẳng, công bằng giữa các DN trong tiếp cận và thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, tiếp cận đất đai, tín dụng; bình đẳng trong giải quyết các vấn đề khó khăn cho DN trong nước và ngoài nước.

Tăng cường hướng dẫn, phổ biến, giới thiệu các chính sách mới của tỉnh để mọi thành phần kinh tế được tiếp cận và thụ hưởng. Nâng cao vai trò của các Hiệp hội DN để hỗ trợ cộng đồng DN trong việc tiếp cận các nguồn lực, thủ tục và chính sách của tỉnh.

Chỉ số Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự năm 2019 đạt 6,49 điểm, tăng 0,66 điểm và tăng 16 bậc so với năm 2018, xếp hạng 36/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số này tăng bậc đáng kể. Cần tiếp tục nổ lực cải thiện hơn nữa để tăng điểm và tăng bậc trong thời gian đến.

Chỉ số tăng điểm nhưng giảm bậc

Năm 2019, Quảng Ngãi có 03 chỉ số thành phần tăng điểm nhưng giảm bậc, đó là: Chỉ số Tiếp cận đất đai năm 2019 đạt 6,65 điểm, tăng 0,1 điểm và giảm 5 bậc so với năm 2018, xếp hạng 39/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số này tăng điểm liên tục trong 03 năm qua, tuy nhiên vẫn còn xếp hạng dưới trung bình.

Chỉ số Tính năng động của chính quyền tỉnh năm 2019 đạt 5,9 điểm, tăng 0,57 điểm và giảm 1 bậc so với năm 2018, xếp hạng 50/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số này tăng điểm liên tục trong 03 năm, nhưng lại giảm bậc liên tiếp trong 2 năm 2018, 2019.

Chỉ số Đào tạo lao động năm 2019 đạt 6,24 điểm, tăng 0,03 điểm và giảm 8 bậc so với năm 2018, xếp hạng 48/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số này xếp hạng dưới trung bình.

Để tiếp tục duy trì tăng điểm và tăng bậc đối với chỉ số này, trong thời gian tới, cần đầy mạnh minh bạch hóa việc tiếp cận nguồn lực đất đai cho nhà đầu tư, DN; công khai, minh bạch toàn bộ hoạt động tiếp nhận, giải quyết TTHC thông qua Bộ phận Một cửa các cấp. Đảm bảo cơ sở cho việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để nhà đầu tư, DN có thể khai thác, giám sát thuận tiện; tạo sự bình đẳng cho nhà đầu tư tiếp cận đất đai để phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, đặc biệt là thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, hướng đến việc giảm thời gian đăng ký đất đai; giảm thời gian cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Đẩy nhanh công tác hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án đầu tư.

Thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư phải thực hiện theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh. UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm phê duyệt phương án bồi thường và quyết định thu hồi đất theo đúng quy định, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Kịp thời nắm bắt phải ánh, kiến nghị và xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Kịp thời nắm bắt, tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của DN, nhà đầu tư qua tất cả các kênh thông tin; đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho danh nghiệp, nhà đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; lắng nghe ý kiến đề xuất của nhà đầu tư để đồng hành hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển trên địa bàn tỉnh; xử lý, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường đối thoại thực chất với các cơ quan, chủ động đề xuất các buổi đối thoại, tham vấn theo chủ đề, theo nhóm DN đặc thù.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về hoạt động của các trung tâm dịch vụ việc làm; xây dựng giải pháp gắn kết giữa các trung tâm dịch vụ việc làm với doanh nghiệp và cơ sở đào tạo tại địa phương; quy hoạch mạng lưới dịch vụ việc làm, xây dựng hệ thống dịch vụ việc làm có hiệu quả, đáp ứng được công tác thu thập xử lý thông tin, kết nối cung - cầu lao động, tư vấn và dự báo thông tin thị trường lao động.

Xây dựng trang thông tin về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; hình thành cơ sở dữ liệu về nghề nghiệp, thị trường lao động và thông tin, dữ liệu liên quan đến ngành, nghề. Tăng cường hợp tác, kết nối giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và DN. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, giáo viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo chuẩn ở các cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế.

Đối với chỉ số giảm điểm nhưng tăng bậc

Chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đạt 6,17 điểm, giảm 0,07 điểm và tăng 14 bậc so với năm 2018, xếp hạng 32/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số này 02 năm liên tiếp giảm điểm.

Để cải thiện tình trạng giảm điểm, cần nâng cao hiệu quả công tác thông tin dự báo thị trường; công bố rộng rãi, hướng dẫn DN cách khai thác thông tin về doanh nghiệp đã đăng ký, mới thành lập để tạo điều kiện cho DN tìm kiếm đối tác kinh doanh cũng như thuận tiện trong các giao dịch thương mại.

Xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa và các doanh nghiệp mới thành lập

Xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhất là các DN nhỏ và vừa, DN mới thành lập, DN khởi nghiệp. Tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các quy định của pháp luật, các cơ chế chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh đã ban hành.

Tăng cường công tác xúc tiến thương mại. Gắn kết hoạt động xúc tiến thương mại với hoạt động khuyến công để tạo hiệu quả cao hơn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành; nghiên cứu, áp dụng thành tựu khoa học và công nghệ, các phương pháp quản lý tiên tiến nhằm giảm chi phí không chính thức, chi phí trung gian, nâng cao năng suất lao động, cải thiện năng lực cạnh tranh của DN.

Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn phổ biến kiến thức về hội nhập quốc tế, về chính sách liên quan hội nhập, cam kết hội nhập quốc tế cho các DN, đơn vị liên quan; nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về các rào cản thương mại, để các DN nắm bắt cơ hội và vượt qua những thách thức trong giai đoạn hội nhập sâu rộng.

Đối với 2 chỉ số giảm điểm và giảm bậc

Chỉ số Chi phí thời gian đạt 6,56 điểm, giảm 0,68 điểm và giảm 25 bậc so với năm 2018, xếp hạng 44/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số này giảm điểm và giảm bậc đáng kể so với năm 2018.

Cần chú trọng cải thiện mạnh mẽ điểm số và thứ hạng trong thời gian đến thông qua các giải pháp: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của DN; thực hiện tư vấn pháp lý cho DN.

Hạn chế việc thanh tra, kiểm tra trùng lặp tại DN, tạo điều kiện để DN hoạt động sản xuất kinh doanh. Thay vào đó, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ và xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức giải quyết công việc liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng, thiết thực của DN.

Thực hiện niêm yết đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch các TTHC, phí, lệ phí theo quy định. Định kỳ tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo các ngành, các cấp với DN về TTHC, về tinh thần, thái độ phục vụ của công chức, CQNN.

Đối với chỉ số Chi phí không chính thức đạt 5,93 điểm, giảm 0,11 điểm và giảm 10 bậc so với năm 2018, xếp hạng 42/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số này giảm điểm, giảm bậc đáng kể và xếp hạng dưới trung bình. Chính vì vậy cần quan tâm đến việc rà soát quy trình, thủ tục và các khâu trong quá trình xử lý hồ sơ, dự án, các loại giấy tờ hành chính khác bảo đảm thuận lợi cho DN, nhà đầu tư.

Niêm yết công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách, TTHC, nhất là TTHC liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng…, mức thu các loại phí tại trụ sở cơ quan hành chính, Trung tâm hành chính công, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử; xây dựng và công khai quy trình xử lý, giải quyết công việc hành chính, TTHC để DN biết, thực hiện và giám sát.

Tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và các địa phương

Nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, cơ chế một cửa theo hướng hiện đại. Tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa các huyện.

Thực hiện nghiêm Quyết định 20 của UBND tỉnh và Chỉ thị 31 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị và địa phương tùy tiện đặt ra các quy định trái pháp luật, sai thẩm quyền và những hành vi kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với DN. Thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch phòng, chống tham nhũng.

                                                                                                Lam Uyên

Tin liên quan

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NGÃI

Địa chỉ: 52 Hùng Vương, Nguyễn Nghiêm, Quảng Ngãi

Điện thoại Ban Biên tập: 0255 3712 135 - Fax: 0255 3 822 217 - Email: bbt@quangngai.gov.vn

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Quốc Việt - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi

Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Ngãi.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này