Truy cập nội dung luôn

SỰ KIỆN - LỄ HỘI

 

1. Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia    

 

 

Lễ khao lề thế lính là một lễ hội được nhân dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi duy trì hàng trăm năm nay. Thời gian đầu khi mới thành lập Đội Hoàng Sa, cứ hàng năm người của đảo Lý Sơn lại được tuyển mộ vào đội này làm binh, phu đi khai thác và bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa. Việc này gọi là "thế lính". Lễ khao lề thế lính là một lễ hội độc đáo với truyền thống uống nước nhớ nguồn nhằm ghi nhớ công ơn người xưa hay nhóm An Vĩnh thuộc hải đội Hoàng Sa đã ra đi tìm kiếm sản vật và cắm mốc biên giới hải phận mà không trở về.

Lễ hội được tổ chức tại Âm Linh Tự (một di tích được xếp hạng quốc gia) vào các ngày 18, 19, 20 tháng 3 âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội lớn không chỉ của huyện mà còn của cả tỉnh Quảng Ngãi. Với hình thức tổ chức rất công phu nhiều công đoạn, song đặc biệt hơn cả là hình thức thả thuyền giấy ra biển ngụ ý mãi duy trì việc ra biển như trước và có lẽ vì thế mà lễ hội có tên là khao lề thế lính. Vào những ngày này, ngoài việc tổ chức người địa phương còn thực hiện đắp và dọn các ngôi mộ của các chiến sĩ hải đội Hoàng Sa (dân nơi đây gọi là Mộ gió).

Lễ hội này không chỉ mang ý nghĩa phục vụ công tác nghiên cứu văn hóa cộng đồng cư dân ven biển Việt Nam, du lịch mà còn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, truyền thống gìn giữ và bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải của đất nước. Đề nghị mọi người cùng ủng hộ việc nghiên cứu, lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, một lễ hội có lịch sử 400 năm là Di sản Văn hoá Phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó cũng là một cách để khẳng định chủ quyền của nước ta đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2013.

 

2. Lễ hội đua thuyền tứ linh huyện Lý Sơn - Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

 

Hội đua thuyền tứ linh ở Lý Sơn

 

Lễ hội đua thuyền Lý Sơn diễn ra từ ngày mùng 4 đến mùng 8 tháng Giêng hàng năm. Có lẽ đây là lễ hội lớn nhất của cư dân vùng biển ở Quảng Ngãi nói riêng và ở Nam Trung bộ nói chung, nếu xét ở các bình diện: Quy mô tổ chức, thời gian tổ chức, tính liên tục và thành phần tham gia. Lễ hội đua thuyền Lý Sơn không chỉ là một trò diễn vui chơi giải trí mà còn để tưởng nhớ đến các vị tiền hiền buổi đầu khai sinh ra đảo và cầu mong cho quốc thái dân an, người an vật thịnh.

Lý Sơn có 2 xã tổ chức đua thuyền hàng năm là An Vĩnh và An Hải. Mỗi xã có 4 thuyền đua mang tên 4 con vật trong tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng được trang trí chạm trổ hết sức công phu. Lễ hội đua thuyền Lý Sơn có 2 cấp độ: Hội đua thuyền của xã và hội đua thuyền của huyện (đua 8 chiếc) vào ngày 8 tháng Giêng.

Lễ hội đua thuyền Lý Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2020.

 

3. Lễ hội Điện Trường Bà - Di sản văn hóa cấp quốc gia

 

 

Lễ hội Điện Trường Bà (thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng) là nơi diễn ra sự giao lưu văn hóa khá mạnh mẽ giữa cộng đồng các dân tộc Kinh, Cor, Hrê, Hoa, thu hút rất đông khách đến vãn cảnh, ngưỡng bái, đặc biệt trong các ngày diễn ra lễ hội (15 và 16 tháng 4 âm lịch hàng năm).

Lễ hội thể hiện thông điệp đầu tiên là gắn tình đoàn kết giữa các dân tộc trong quá trình mở mang bờ cõi. Gắn phần lễ là phần hội với nhiều hoạt động văn hoá dân gian mang đặc trưng của các dân tộc anh em như: múa cồng chiêng, múa Cà đáo, bắn cung, ném lao, kéo co, đi cà kheo, thi đấu cờ người, hát bộ, múa lân, múa sắc bùa, cô đồng...

Từ bao đời nay, lễ hội Điện Trường Bà đã trở thành ngày lễ thiêng liêng của người dân đất quế Trà Bồng và nhiều vùng lân cận. Dù ở đâu, làm gì, trong ngày lễ hội, tất cả mọi người đến dự lễ đều hướng lòng thành kính, tri ân đến Thánh mẫu Thiên Y A Na và các vị thần khác đã có công trong việc khai phá vùng đất này.

Năm 2014, Điện Trường Bà được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia, năm 2017 được đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

 

4. Lễ hội cúng cá Ông

 

 

Lễ hội cúng cá Ông là một hình thức sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng phổ biến của cư dân vạn chài ven biển, hải đảo Quảng Ngãi. Lễ hội này được tổ chức thường xuyên vào mùa xuân và mùa thu. Tiêu biểu là lễ hội cúng cá Ông ở lăng vạn Đông Yên, xã Bình Dương vào ngày mùng 8 tháng Giêng và 16 tháng 7 âm lịch; ở lăng vạn Cù Lao - Mỹ Tân vào các ngày 10 tháng 3 và 25 tháng 6 âm lịch hằng năm (đều thuộc huyện Bình Sơn).

Hiện nay, tại Quảng Ngãi còn khá nhiều lăng Cá Ông ở dọc ven biển và đảo Lý Sơn có kiểu dáng kiến trúc cổ cách đây vài trăm năm. Vào các ngày hội có đầy đủ kiệu rước, đội trống chiêng, ban nhạc cùng đội gươm và đội chèo bá trạo diễn xướng theo nghi lễ, thu hút hàng nghìn người tham gia. Trong lễ hội cúng cá Ông còn có các hình thức diễn xướng khác như đua thuyền, lắc thúng, múa lân, hát sắc bùa, hát bội, hát hố…

Nhiều lăng còn giữ được những bộ xương cá voi khổng lồ và các sắc phong thần của tiều Nguyễn như lăng Thanh Thủy (Bình Sơn), lăng Cồn, lăng Tân, lăng Chánh (Lý Sơn), lăng Thạch Bi (Đức Phổ)…

 

5. Lễ hội đua thuyền

 

 

Vào các dịp lễ tết, nhiều nơi trong tỉnh thường tổ chức hội đua thuyền, như ở Mộ Đức, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành…Ở Tư Nghĩa, hội đua thuyền thường diễn ra trên sông Cổ Lũy – Phú Thọ. Ở Bình Sơn, hội đua thuyền diễn ra ở vịnh Vũng Tàu, cửa Sa Cần, trên sông Trà Bồng. Ở thành phố Quảng Ngãi, hội đua thuyền thường diễn ra trên sông Trà Khúc.

Ở Lý Sơn, hội đua thuyền diễn ra ở vùng biển phía Tây Nam của đảo. Tiêu biểu có các hội đua thuyền truyền thống ở hai xã An Hải, An Vĩnh (Lý Sơn) và Tịnh Long (Sơn Tịnh) vào dịp tết Nguyên đán hàng năm.

Ý nghĩa sâu xa của hội đua thuyền là để tỏ lòng cảm tạ các vị thần linh phù hộ cho dân làng có được cuộc sống bình an, khương thới; làm nông, làm biển được mùa, tri ân các bậc tiền hiền đã có công khai khẩn, xây dựng cuộc sống lâu dài trên quê đảo, tưởng nhớ quan quân và binh phu các đội Hoàng Sa, Bắc Hải. Đây cũng là dịp để người dân rèn luyện sức khỏe, thi thố tài năng điều khiển ghe thuyền.

 

6. Lễ hội ra quân đánh bắt hải sản đầu năm ở Sa Huỳnh

 

 

Trình thức lễ hội cầu ngư Sa Huỳnh vào ngày mùng 3 Tết Nguyên đán hàng năm bao gồm các lễ thức: Tế cáo thần linh khai lạch, lễ ra nghề và các trò diễn dân gian.

Từ sáng mùng 3 Tết Nguyên đán tất cả các thuyền trong các vạn, đặc biệt là vạn Thạch Bi, tập trung tại cửa biển, chong đèn kết hoa rực rỡ, bày soạn lễ vật lên thuyền và chuẩn bị các loại ngư lưới cụ. Sau khi đại diện chính quyền, hội nghề cá khai mạc và tổng kết nghề  đánh bắt hải sản một năm cũng như kế hoạch thực hiện trong năm mới, ông chủ vạn gióng tiếng trống báo hiệu lễ ra nghề bắt đầu. Chiếc thuyền đầu tiên ra khơi là chiếc thuyền được ban vạn bầu chọn (không gặp bất trắc gì trong năm cũ, gia đình hòa thuận, chủ thuyền có uy tín…) và sau đó là hàng trăm chiếc thuyền nối tiếp ra khơi. Ra đến cách bờ chừng vài hải lý, các thuyền lại thực hiện nghi thức tế cáo thần linh và đánh mẻ lưới làm phép đầu tiên. Sau khi vớt mẻ lưới lên các thuyền quay lại vào bờ và thì các trò diễn như đua thuyền, thi lắc thúng, thi đánh bóng chuyền mới bắt đầu diễn ra. Có năm trong dịp làm lễ cầu ngư, người Sa huỳnh còn tổ chức hát bội vài ba ngày.

Những làng xã thường tổ chức lễ cầu ngư hàng năm và có quy mô lớn là Sa Huỳnh, An Chuẩn, Cổ Lũy, nhưng tiêu biểu nhất là Sa Huỳnh. Có nơi không tổ chức lễ cầu ngư riêng mà người ta xem lễ tế cá Ông như dịp đầu năm là lễ cầu ngư.

 

7. Hát sắc bùa ngày xuân

 

 

 

Hát sắc bùa là loại hình diễn xướng dân gian mang dấu ấn tín ngưỡng, phong tục, thường diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm ở các làng quê ven biển Quảng Ngãi.

Những người tham gia hát sắc bùa lập thành phường. Phường sắc bùa gồm có ông bầu (cái) và các quân (có khi 4, 8 hoặc 16 quân và phải là con gái, thường từ 13 đến 18 tuổi), cùng ban nhạc gồm kèn, trống, sanh tiền, đờn cò. Phường sắc bùa thường bắt đầu “lưu diễn” từ đêm trừ tịch cho đến hết tháng giêng, từ nhà này sang nhà khác để chúc tụng năm mới, yểm quỷ, trừ tà (sắc nhà), có khi cũng hát ở đình làng, lăng miếu (sắc làng). Ngoài những bài hát theo điệu thức của tuồng, dân ca… còn có những điệu múa dân gian của các con xô (quân) giúp vui ngày Tết.

Ở Quảng Ngãi còn có 2 làng hát sắc bùa nổi tiếng là An Thạch (Phổ An, Đức Phổ) và Văn Hà (Đức Phong, Mộ Đức).

 

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NGÃI

Địa chỉ: 52 Hùng Vương, Nguyễn Nghiêm, Quảng Ngãi

Điện thoại Ban Biên tập: 0255 3712 135 - Fax: 0255 3 822 217 - Email: bbt@quangngai.gov.vn

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Quốc Việt - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi

Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Ngãi.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này