Hội nghị chuyên đề “Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến”
31/08/2024 14:49 554
Sáng 31- 8, tại TP.Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề “Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến”. Cùng tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn; Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn cùng đại diện Lãnh đạo các sở, ban ngành, địa phương của tỉnh dự tại điểm cầu Quảng Ngãi.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang dự Hội nghị tại TP.Đà Nẵng
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính từ năm 2011 đến nay, nước ta đã trải qua 02 giai đoạn phát triển về dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, giai đoạn 1 là giai đoạn khởi động khi số lượng dịch vụ công trực tuyến mức cao được triển khai rất ít trên phạm vi cả nước; giai đoạn 2 là giai đoạn phát triển theo chiều rộng, khi có bước phát triển đột phá về số lượng dịch vụ công trực tuyến.
Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đã có thành công, nhưng không đồng đều giữa các bộ ngành, địa phương. Bên cạnh những đơn vị đạt kết quả cao, vẫn còn nhiều đơn vị đạt kết quả rất thấp, đặc biệt là hồ sơ trực tuyến toàn trình. Một số địa phương đạt tỷ lệ rất cao lên tới 69%, tuy nhiên vẫn còn nhiều địa phương đạt tỷ lệ rất thấp dưới 5%.
Dịch vụ công trực tuyến toàn trình mang lại hiệu quả thực sự khi người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện đơn giản, thuận tiện toàn bộ quy trình trên môi trường mạng và không phải hiện diện tại cơ quan nhà nước, thể hiện thông qua tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình. Để bước vào giai đoạn 3, phát triển theo chiều sâu, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình tới mọi người dân, doanh nghiệp, mục tiêu đặt ra là tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 70%.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn dự Hội nghị tại điểm cầu Quảng Ngãi
Việc phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình sẽ đưa mọi hoạt động của công chức, viên chức phục vụ người dân và doanh nghiệp lên môi trường mạng. Khi đó, các cơ quan nhà nước có đầy đủ dữ liệu số để chỉ đạo, điều hành trực tuyến và dựa trên dữ liệu. Hoàn thành phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình, Việt Nam sẽ hoàn thành nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử, chuyển sang phát triển Chính phủ số.
Để triển khai dịch vụ công trực tuyến trong giai đoạn mới, phát triển theo chiều sâu, thực chất là phổ cập dịch vụ công trực tuyến theo hướng trực tuyến toàn trình, các bộ, ngành, địa phương cần đạt mục tiêu phát triển dịch vụ công trực tuyến toàn trình ngay trong năm 2024 và đến năm 2025. Năm 2024, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của các bộ, ngành đạt tối thiểu 70%; các địa phương đạt tối thiểu 30%. Năm 2025, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của các bộ, ngành đạt tối thiểu 85%, các địa phương đạt tối thiểu 70%.
Để đạt được các mục tiêu trên, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Khung triển khai dịch vụ công trực tuyến nhằm hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Khung này hướng dẫn các cơ quan nhà nước tối ưu hóa các bước, quy trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến thông qua rà soát, hoàn thiện thể chế; phát triển các công cụ, nền tảng, ứng dụng số cung cấp dịch vụ công trực tuyến dựa trên hạ tầng số, dữ liệu số, có thể đo lường, giám sát trực tuyến và đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng; phát triển nhân lực số; các yêu cầu, tiêu chuẩn cần đáp ứng trong triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Quảng Ngãi
Tại Quảng Ngãi, trong thời gian qua, công tác cải cách hành chính nói chung, thực hiện dịch vụ công trực tuyến nói riêng được tỉnh quan tâm và chỉ đạo thực hiện thường xuyên, liên tục. Tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, sáng kiến thiết thực để đẩy nhanh việc cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn. Hầu hết các sáng kiến đều phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp theo hướng tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện. Hiện có 100% TTHC đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được tỉnh cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Đến thời điểm này, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến tại cấp tỉnh đạt 78%, cấp huyện đạt 73%, cấp xã đạt 93%.
Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về dịch vụ công trực tuyến gắn với truyền thông công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Trong đó, tập trung truyền thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở và các phương tiện truyền thông; truyền thông qua báo chí; truyền thông qua Cổng/Trang thông tin điện tử; mạng xã hội và viễn thông; truyền thông qua các hội thi, lồng ghép hội thảo, hội nghị, tọa đàm và phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng.
Quang cảnh hội nghị tại các điểm cầu
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các Bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; sự đồng lòng, ủng hộ và tham gia tích cực của người dân, cộng đồng doanh nghiệp.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ, phải tập trung triển khai hiệu quả 2 trụ cột, kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính nội bộ và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Xây dựng và củng cố 3 trọng tâm là: pháp lý hóa, số hóa, tự động hóa, hướng đến 4 không: không giấy tờ, không tiền mặt, không tiếp xúc nếu pháp luật không quy định, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thực hiện 5 đẩy mạnh và tăng cường là: Tăng cường phân cấp phân quyền đi đôi với phân bố nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, từng cấp, từng ngành và tăng cường giám sát, kiểm tra; tăng cường công khai, minh bạch, đơn giản hóa TTHC gắn với tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu; tăng cường đầu tư hạ tầng số; tăng cường đối thoại, xử lý vướng mắc phát sinh; đẩy mạnh kỷ luật, kỷ cương, đẩy lùi tiêu cực; tăng cường kiến thức, kỹ năng số, phát triển nhân lực số đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”,
Bên cạnh đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; cắt giảm, đơn giản hóa tối đa các quy định kinh doanh, TTHC; cương quyết xóa bỏ cơ chế xin - cho; tạo môi trường công khai, minh bạch, trong sạch. Đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ. Khẩn trương phân quyền cho các địa phương thực hiện các TTHC theo các Nghị quyết, Kết luận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Sớm trình ban hành đầy đủ các Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Giao dịch điện tử. Sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về TTHC liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh theo hướng sử dụng hồ sơ hành chính dưới dạng dữ liệu số.
Đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình, thiết kế, cung cấp các dịch vụ công trên cơ sở cắt giảm, đơn giản hóa tối đa TTHC, tái sử dụng dữ liệu, liên thông điện tử. Thực hiện thành công các nhiệm vụ đến năm 2025.
T.D-T.T
Tin liên quan
- Phát huy tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển thành phố Quảng Ngãi
- Chương trình Ấm áp mùa trăng rằm- “Chia sẻ yêu thương - Chung tay hướng về các bạn nhỏ bị ảnh hưởng do bão số 3”
- Chương trình “Trăng thu biên cương 2024” trên đảo Lý Sơn
- UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 8/2024
- Lãnh đạo UBND tỉnh cùng cán bộ, công chức Văn phòng UBND tỉnh ủng hộ đồng bào khắc phục thiệt hại Bão số 3
- UBND tỉnh cho ý kiến một số nội dung thuộc thẩm quyền
- Lễ phát động quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại do bão, lũ gây ra
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công
- Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang làm việc với Sở Xây dựng
- Quảng Ngãi kêu gọi ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do Bão số 3 và lũ lụt gây ra
- Giao Sở Nông nghiệp và PTNT quản lý, khai khác Cầu cảng cá sông Trà Bồng