Bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong mùa mưa bão
28/09/2024 20:50 75
Ngày 27/9, tại TP. Đà Nẵng, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) tổ chức hội nghị “Tăng cường công tác phòng chống thiên tai và đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2024”.
Quang cảnh hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Thanh Hoài, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, năm 2024 tình hình thời tiết, thiên tai diễn biến phức tạp, bất thường và khó lường. Đặc biệt cơn bão số 3 vừa qua đã gây thiệt hại vô cùng nặng nề về người và tài sản của nhân dân.
Bão và hoàn lưu bão đã khiến một số công trình thủy điện có nguy cơ mất an toàn và đặt vào tình trạng khẩn cấp về thiên tai như thủy điện Thác Bà, thủy điện Tuyên Quang…. Một số công trình thủy điện khác gặp sự cố nghiêm trọng khi bị đất đá sạt lở vùi lấp nhà điều hành, tàu thuyền mất neo trôi dạt va đập vào thân đập…
Tính riêng cơn bão số 3, Bộ Công Thương đã ban hành 11 công điện yêu cầu triển khai các nhiệm vụ cấp bách ứng phó. Qua đó giúp các cơ sở sản xuất ngành công nghiệp nói chung và hệ thống công trình thủy điện nói riêng vẫn đảm bảo an toàn và có những thời điểm cắt giảm rất hiệu quả lũ cho hạ du. "Từ bài học kinh nghiệm rút ra trong công tác chỉ đạo, điều hành, ứng phó với cơn bão số 3, để kịp thời chỉ đạo các đơn vị trong ngành Công Thương đặc biệt là các công trình thủy điện khu vực miền Trung - Tây Nguyên chuẩn bị tốt công tác phòng chống thiên tai trong mùa mưa năm 2024", Thứ trưởng Bộ Công Thương thông tin.
Thứ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị nghiêm túc tuân thủ quy trình vận hành
Nghiêm túc tuân thủ quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ chứa thủy điện
Triển khai nhiệm vụ về phòng chống thiên tai và đảm bảo an toàn vận hành công trình thủy điện, ông Trịnh Văn Thuận, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Cộng Thương) yêu cầu các đơn vị thủy điện tuân thủ nghiêm các chỉ đạo về phòng chống thiên tai của các đơn vị trong ngành, trong đó đặc biệt nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 04 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Thực hiện tốt công tác đầu tư trang thiết bị phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương châm 4 tại chỗ để sẵn sàng ứng phó thiên tai với hiệu quả cao nhất; tổ chức diễn tập các phương án ứng phó; tăng cường sự phối hợp với các đơn vị liên quan để thống nhất chỉ huy, điều hành và phát huy hiệu quả cao nhất về nguồn lực của các đơn vị trong quá trình ứng phó với các tình huống thiên tai, sự cố; tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các công trình, các điểm xung yếu.
Thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo sớm đối với thiên tai, bão lũ, để có phương án hành động kịp thời; duy trì nghiêm chế độ trực ban, bảo đảm thông tin, liên lạc thông suốt. Đối với các chủ đập, đơn vị quản lý, vận hành thủy điện; Tập đoàn điện lực Việt Nam; Sở Công Thương các địa phương miền Trung - Tây Nguyên tùy theo chức năng nhiệm vụ sẽ triển khai các nhiệm vụ khác để đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện.
Trong đó, riêng đối với các chủ đập, đơn vị quản lý, vận hành thủy điện phải tuân thủ nghiêm các quy định về vận hành liên hồ, đơn hồ; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong theo dõi, ứng phó với thiên tai; thường xuyên kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn hồ, đập; trực ban 24/24 giữ thông tin liên lạc xuyên suốt với ban chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp trong mùa mưa lũ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến cuối năm 2024, dự báo các đợt lũ sẽ xuất hiện tại khu vực miền Trung - Tây nguyên có thể gây áp lực lớn đến công tác đảm bảo an toàn trong vận hành trình thủy điện, do đó các đơn vị cần chuẩn bị các phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng để có thể giảm thiệt hại.
"Từ các cơn bão vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo rất quyết liệt. Chính vì vậy, nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong ngành cần được các đơn vị tiếp tục phát huy tính chủ động và sẵn sàng theo phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) để ứng phó, đảm bảo mục tiêu giữ vững hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn vận hành hồ chứa thủy điện", Thứ trưởng Trương Thanh Hoài nhấn mạnh.
Đối với các chủ đập thủy điện cần nghiêm túc tuân thủ quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ chứa thủy điện đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, đặc biệt là khi xuất hiện các tình huống bất thường; vận hành khoa học, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình. "Trong quá trình vận hành nếu thấy có biến động cần điều chỉnh thì phải đề xuất để các cơ quan chức năng hoàn thiện hành lang pháp lý", Thứ trưởng đề nghị.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng yêu cầu các chủ đập và đơn vị quản lý, vận hành thủy điện khu vực miền Trung - Tây Nguyên tuân thủ nghiêm các nhiệm vụ trọng tâm do Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương nêu ra để chủ động các phương án phòng chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong mùa mưa bão năm 2024.
Chinhphu.vn
Tin liên quan
- Xây dựng chương trình tín dụng mới với lãi suất ưu đãi giúp người dân khôi phục sản xuất sau bão
- Khẩn trương hoàn thiện Đề án phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại 2 thành phố lớn
- Giải quyết vướng mắc phát triển điện gió ngoài khơi
- Phó Thủ tướng chỉ đạo triển khai ngay flycam phát hiện nguy cơ sạt lở để cảnh báo sớm và có biện pháp phòng ngừa
- Thành lập Khu Công nghệ cao sinh học Hà Nội
- Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 21-27/9/2024
- 15.000 sinh viên từ 27 trường ĐH tham gia 'sân chơi' giáo dục về tài chính
- Tập trung cho những dự án xoay chuyển tình hình, chuyển trạng thái
- Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đường bộ
- Thủ tướng yêu cầu tập trung triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ