Truy cập nội dung luôn

Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020

(Theo Quyết định số 1056/QĐ-TTG ngày 16/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ)

 

 

        Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

 

 

 

1. Phạm vi quy hoạch

 

Phạm vi lập quy hoạch 10.300 ha, thuộc tỉnh Quảng Ngãi, bao gồm các xã Bình Chánh, Bình Thạnh, Bình Đông, Bình Thuận, Bình Trị, Bình Hải và một phần diện tích đất các xã Bình Phước, Bình Hòa và Bình Phú của huyện Bình Sơn, có ranh giới địa lý được xác định như sau:

 

- Phía Đông giáp biển Đông;

 

- Phía Tây giáp xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn;

 

- Phía Nam giáp các xã: Bình Long, Bình Hiệp, Bình Phú, huyện Bình Sơn;

 

- Phía Bắc giáp sân bay Chu Lai.

 

2. Tính chất

 

- Là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, đô thị và nông, lâm, ngư nghiệp. Trong đó trọng tâm là phát triển công nghiệp lọc - hóa dầu - hóa chất; các ngành công nghiệp có quy mô lớn bao gồm: công nghiệp cơ khí, đóng và sửa chữa tàu biển, luỵên cán thép, sản xuất xi măng, các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và các ngành công nghiệp khác gắn với việc khai thác hiệu quả cảng nước sâu Dung Quất, sân bay Chu Lai và có sự hỗ trợ về dịch vụ hậu cần của các đô thị Vạn Tường, đô thị Dốc Sỏi.

 

- Là một trong những trung tâm đô thị - công nghiệp - dịch vụ của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

 

- Là một trong những đầu mối giao lưu quốc tế quan trọng khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

 

3. Quy mô dân số và đất đai

 

a) Quy mô dân số: tổng dân số đến năm 2015 khoảng 115.000 - 120.000 người, đến năm 2020 khoảng 165.000 - 190.000 người; trong đó dân số đô thị đến năm 2015 khoảng 43.000 - 52.000 người, đến năm 2020 khoảng 130.000 - 160.000 người.

 

b) Quy mô đất đai:

 

Tổng diện tích Khu kinh tế: 10.300 ha, bao gồm:

 

- Khu bảo thuế (khoảng 362 ha) gồm hai khu: phía Đông sông Trà Bồng (142 ha) và phía Tây sông Trà Bồng (220 ha);

 

 

- Khu thuế quan (khoảng 9.938 ha);

 

- Đất công nghiệp (khoảng 2.574 ha);

 

- Đất các khu du lịch (khoảng 677 ha);

 

- Đất xây dựng các khu tái định cư, khu đô thị và dân cư nông thôn (khoảng  532 ha);

 

- Đất trung tâm công cộng (khoảng 160 ha);

 

- Đất kho tàng tập trung (khoảng 95 ha);

 

- Đất dự trữ phát triển (khoảng 275 ha);

 

- Đất giao thông và công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật (khoảng 640 ha);

 

- Mặt nước, cây xanh sinh thái và các loại đất khác (khoảng 3.146 ha).

 

4. Định hướng phát triển không gian

 

a) Phân khu chức năng:

 

- Khu bảo thuế (khu phi thuế quan) được bố trí gắn liền với sân bay Chu Lai và cảng Dung Quất để đảm bảo thuận tiện cho các hoạt động kinh tế đối ngoại.

 

- Khu công nghiệp: gồm khu công nghiệp Đông Dung Quất, khu công nghiệp Tây Dung Quất, khu công nghệ cao và công nghiệp kỹ thuật cao:

 

+ Khu công nghiệp Đông Dung Quất (khoảng 1.668 ha), bao gồm: cụm công nghiệp lọc dầu công suất 6,5 triệu tấn năm (375 ha), cụm công nghiệp hoá dầu, hoá chất (250 ha), cụm công nghiệp đóng tàu (250 ha), cụm công nghiệp cơ khí cán thép (197 ha), công nghiệp luyện cán thép (455 ha), liên hợp công nghiệp nặng Doosan (110 ha, kể cả cảng chuyên dùng), công nghiệp vật liệu xây dựng (31 ha), kho tàng (95 ha);

 

+ Khu công nghiệp Tây Dung Quất (khoảng 665 ha), gồm công nghiệp chế biến nông, lâm, hải sản, cơ khí, điện tử, vi điện tử, tự động hóa, lắp ráp, hàng dân dụng, sản xuất hàng tiêu dùng.

 

+ Khu công nghệ cao  và công nghiệp kỹ thuật cao (khoảng 250 ha), là khu vực thử nghiệm, chuyển giao và áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, bố trí tại phía Nam lâm viên Vạn Tường, phía Đông trục đường Bắc - Nam.

 

 

- Cảng : bao gồm 2 khu cảng chính (tổng diện tích 378 ha). Cảng tổng hợp Dung Quất được bố trí trong vịnh Dung Quất; cảng chuyên dùng phục vụ nhà máy lọc dầu được bố trí trong vịnh Việt Thanh.

 

- Các khu du lịch: được bố trí phía Tây sông Trà Bồng và khu vực Vạn Tường.

 

- Các khu dân cư đô thị, nông thôn:

 

+ Các khu tái định cư và khu dân cư nông thôn (khoảng 532 ha): hình thành các khu tái định cư để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, ổn định và nâng cao đời sống dân cư, đào tạo và chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với từng độ tuổi.

 

Đối với các khu dân cư nông thôn: giữ nguyên hiện trạng, cần có giải pháp nâng cao điều kiện sống nhân dân.

 

+ Đô thị mới Vạn Tường: đến năm 2015 có quy mô khoảng 35.000 - 40.000 người; đến năm 2020 khoảng 110.000 - 130.000 người; đất xây dựng đô thị khoảng 1.125 ha;

 

+ Đô thị Dốc Sỏi: đến năm 2015 có quy mô dân số khoảng 8.000 - 12.000 người (không bao gồm đô thị Châu Ổ); đất xây dựng đô thị khoảng 292 ha.

 

-  Các khu trung tâm: ngoài các trung tâm thương mại, dịch vụ kết hợp trong khu bảo thuế và trong các đô thị, bố trí 2 - 3 trung tâm dịch vụ tập trung, mỗi khu có qui mô khoảng 35 - 60 ha. Trung tâm đào tạo, dạy nghề và nghiên cứu khoa học được bố trí gắn kết với đô thị Vạn Tường.

 

- Khu cây xanh sinh thái kết hợp các khu du lịch ven biển: cây xanh sinh thái được bố trí ven biển, ven các sông, hồ, trên đồi tạo thành các giải cây xanh phòng hộ, các lâm viên.

 

b) Sân bay Chu Lai: tuy không thuộc ranh giới quy hoạch của Khu kinh tế Dung Quất, nhưng là một đầu mối giao thông quan trọng của toàn khu vực, phục vụ Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu kinh tế Dung Quất và các khu vực lân cận.

 

c) Bố cục quy hoạch kiến trúc và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên:

 

- San lấp cục bộ mặt bằng các khu đất xây dựng công trình, không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, các đồi cao, mặt nước sông ngòi, đầm phá;

 

- Bảo tồn hệ sinh thái biển, đầm phá và nội đồng, cải tạo bổ sung nhiều loại cây trồng thích hợp cho đô thị và du lịch;

 

- Khai thác hợp lý các bãi tắm biển, cải tạo các vùng ngập trũng, đồi núi cao, ven sông ngòi, kênh rạch tạo thành các vùng cây xanh, không gian du lịch hấp dẫn.

 

5. Định hướng phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật

 

a) Giao thông:

 

-  Giao thông đường bộ

 

+ Đường bộ đối ngoại

 

Xây dựng mới trục chính đối ngoại Đông Tây thay thế vai trò tuyến Dốc Sỏi - cảng Dung Quất, cơ bản song song với tuyến cũ, dịch chuyển về phía Nam khoảng từ 1,4 - 1,6 km.

 

 

Các trục chính đối ngoại Bắc Nam gồm: trục số 1 nối từ trục đối ngoại Đông Tây về phía Bắc và nối sang trục giao thông chính của Khu kinh tế Chu Lai; trục số 2 nối từ cảng Dung Quất về đô thị mới Vạn Tường; trục số 3 nối Dung Quất với đô thị mới Vạn Tường, với thành phố Quảng Ngãi và các huyện phía Nam của tỉnh.

 

Giao thông tĩnh và đầu mối giao thông: tổ chức bốn nút giao thông khác cốt (mỗi nút có quy mô 7 - 13 ha); các quảng trường giao thông; các bến xe và hai cầu đường bộ, một cầu đường sắt vượt sông Trà Bồng.

 

+  Đường nội bộ

 

Hệ thống giao thông nội bộ của Khu kinh tế phải tuân thủ mạng lưới đường trong quy hoạch chung Khu công nghiệp Dung Quất và các quy hoạch chi tiết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hệ thống tuyến ống dẫn dầu nối từ nhà máy lọc dầu tới cảng chuyên dụng xăng dầu, chiều dài khoảng 6,06 km, hành lang sử dụng đất 50 m và hành lang an toàn mỗi bên 150 m.

 

- Giao thông đường sắt: xây dựng tuyến đường sắt nối từ đường sắt quốc gia đến cảng Dung Quất ở phía Nam tuyến giao thông đường bộ đối ngoại Trì Bình - cảng Dung Quất; xây dựng các nút giao thông khác cốt với các tuyến chính trong Khu kinh tế; xây dựng ga phụ tại khu vực hậu cảng có quy mô 15 ha, ga chính kết nối với tuyến đường sắt quốc gia nằm ngoài ranh giới Khu kinh tế.           

 

- Giao thông thuỷ:

 

+ Cảng cảng tổng hợp tại vịnh Dung Quất;

 

+ Cảng chuyên dùng phục vụ nhà máy lọc hoá dầu tại vịnh Việt Thanh; 

 

+ Cảng tàu du lịch tại ven biển trung tâm đô thị Vạn Tường.

 

- Giao thông đường không: sân bay Chu Lai là công trình đầu mối giao thông đối ngoại quan trọng của Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu kinh tế Dung Quất và toàn bộ khu vực lân cận. 

 

b) Chuẩn bị kỹ thuật đất đai:

 

- Cao độ khống chế cốt xây dựng cho các khu vực phải đảm bảo cao hơn cốt ngập lụt tương ứng với tần suất ngập lụt của từng khu vực;

 

- Hệ thống thoát nước mưa: đối với các đô thị trong Khu kinh tế Dung Quất chọn hệ thống thoát nước mưa riêng, được chia theo các lưu vực chính, hướng thoát nước ra biển và sông Trà Bồng.

 

c) Cấp nước:

 

- Nguồn nước lấy từ đập Thạch Nham qua kênh B7; khi có nhu cầu lớn hơn, bổ sung nguồn nước từ hồ Nước Trong;

 

- Tiêu chuẩn cấp nước: đến năm 2015 đạt 120 l/người/ngđ, với 85% dân số được cấp nước sạch; đến năm 2020 đạt 150 l/người/ngđ, với 95% dân số được cấp nước sạch. Nước phục vụ phát triển du lịch đạt tiêu chuẩn 300 l/người/ngđ; nước sản xuất công nghiệp áp dụng tiêu chuẩn cấp nước đối với từng ngành công nghiệp.

 

d) Thoát nước thải và vệ sinh môi trường:

- Tiêu chuẩn thoát và xử lý nước thải sinh hoạt tính theo tiêu chuẩn cấp nước;

- Tiêu chuẩn chất thải rắn sinh hoạt: đến năm 2015 đạt 1,0 kg/người/ngđ; đến năm 2020 đạt 1,2 kg/người/ngđ;

- Tiêu chuẩn thu gom và xử lý chất thải rắn công nghiệp: 0,3 tấn/ha/ngđ theo diện tích đất xây dựng nhà máy;

- Nghĩa trang: tiêu chuẩn diện tích 0,06 ha/1.000 người;

- Các khu đô thị, khu du lịch, khu công nghiệp phải xây dựng hệ thống thoát nước thải riêng, nước mưa riêng. Nước thải tập trung về các trạm làm sạch để xử lý đạt tiêu chuẩn mức B - TCVN 5942-1995 trước khi xả ra môi trường;

- Nước thải công nghiệp phải được xử lý 2 lần: xử lý cục bộ trong từng nhà máy sau đó tập trung về các trạm làm sạch của khu công nghiệp để xử lý lần 2 đạt tiêu chuẩn mức B - TCVN 5945-1995,  TCVN 2001 trước khi xả ra môi trường;

- Chất thải rắn được phân loại tại nguồn, được thu gom vận chuyển đến khu xử lý chất thải rắn của khu công nghiệp Dung Quất.

 

đ) Cấp điện:

- Điện sinh hoạt: chỉ tiêu cấp điện đến năm 2015 đạt 700 KWh/người/năm; đến năm 2020 đạt 1000 KWh/người/năm;

- Điện phục vụ dịch vụ công cộng: chỉ tiêu cấp điện bằng 30% điện sinh hoạt;

- Điện phục vụ công nghiệp xác định theo nhu cầu của từng loại hình công nghiệp; điện phục vụ các kho tàng 50 - 70 KW/ha;

- Nguồn điện: từ lưới điện quốc gia và nguồn bổ sung từ nhà máy điện của một số tổ hợp công nghiệp, thông qua các trạm 220 KV Dốc Sỏi và Dung Quất; trạm 220 KV Dốc Sỏi được nâng lên thành trạm 500/220 KV;

- Lưới điện: bao gồm các lưới điện 110 KV, 22 KV và 0,4 KV. 

 

6. Quy hoạch xây dựng đợt đầu (đến năm 2015):

- Mục tiêu: hoàn thiện từng bước các công trình hạ tầng kỹ thuật chính, xây dựng các khu tái định cư phục vụ di dân và giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng các khu vực sản xuất, các khu du lịch, dịch vụ và cơ sở hạ tầng các khu đô thị mới.

- Hình thành, phát triển các khu chức năng:

+ Đầu tư xây dựng các khu tái định cư: Nam Dốc Sỏi, Trung Minh (thuộc đô thị Dốc Sỏi), phía Tây và phía Đông sông Trà Bồng, Bắc sông Cà Ninh và Bình Thuận; đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định đời sống của người dân tái định cư.

+ Phát triển các khu công nghiệp:

Khu công nghiệp Đông Dung Quất: hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật chính, nhà máy lọc dầu và các cụm công nghiệp đã thực hiện xong các bước chuẩn bị đầu tư.

Khu công nghiệp Tây Dung Quất: tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật chính.

+ Phát triển các khu du lịch: khu du lịch Thiên Đàng, Khe Hai (khoảng 190 ha, không kể diện tích mặt nước) và khu du lịch sinh thái, thể thao Vạn Tường (khoảng 487 ha).

+ Phát triển các khu dân cư đô thị:

Khu đô thị mới Bắc Vạn Tường: giai đoạn đầu khoảng 350 - 400 ha, dân số khoảng 35.000 - 40.000 người, không bao gồm số lượng công nhân xây dựng.

Đô thị Dốc Sỏi: giai đoạn đầu khoảng 120 ha, dân số khoảng 8.000 - 120.000 người.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất:

- Công bố và tổ chức quản lý xây dựng theo Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2020 theo quy định của pháp luật;

 

- Triển khai lập quy hoạch chi tiết xây dựng và các dự án đầu tư xây dựng, phát triển Khu kinh tế Dung Quất theo đúng Quy hoạch chung xây dựng được phê duyệt và các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan.

 

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày,  kể từ ngày đăng Công báo.

 

Các Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Văn hoá, Thể thao và Du lịch; các Thủ trưởng cơ quan liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi; Giám đốc Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG

PHÓ THỦ TƯỚNG

                                                                                      Nguyễn Sinh Hùng – Đã ký

Toàn văn Quyết định 1056/QĐ-TTG

 


 

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Khu kinh tế Dung Quất

 đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020

(Theo Quyết định số 139/2006/QĐ-TTg ngày 16 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ)

 

 

 

 

 

 

1. Mục tiêu chung:

 

- Tập trung đẩy mạnh việc đầu tư phát triển Khu kinh tế Dung Quất, trọng tâm là phát triển công nghiệp lọc dầu, hóa dầu, hóa chất, các ngành công nghiệp nặng, cảng biển nước sâu có quy mô lớn, theo hướng phát triển tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực.

 

- Đầu tư xây dựng và phát triển Khu kinh tế Dung Quất để cùng với Khu kinh tế mở Chu Lai, sau năm 2010, các khu kinh tế này từng bước trở thành hạt nhân tăng trưởng, trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và là động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa khu vực miền Trung và cả nước.

 

- Góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

 

2. Mục tiêu phát triển đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020:

 

- Những ngành, lĩnh vực được tập trung đầu tư phát triển tại Dung Quất:

 

+ Hoàn thành xây dựng và đưa Nhà máy lọc dầu Dung Quất vào hoạt động sản xuất năm 2009; đồng thời, triển khai xây dựng một số nhà máy hóa dầu, hóa chất, hình thành cụm liên hợp lọc - hóa dầu, hóa chất khoảng 600 ha.

 

+ Xây dựng một số nhà máy công nghiệp nặng có quy mô lớn, gắn với cảng biển nước sâu Dung Quất như Nhà máy đóng và sửa chữa tàu biển giai đoạn II, Nhà máy luyện cán thép... Hình thành cụm liên hợp công nghiệp tàu thủy, cụm công nghiệp luyện cán thép.

 

+ Ưu tiên và thu hút mạnh các dự án đầu tư sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến xuất khẩu; tạo ra kim ngạch xuất khẩu đạt bình quân trên 200 triệu USD/năm.

 

+ Đầu tư xây dựng và khai thác cảng nước sâu Dung Quất, gắn với ngành công nghiệp và dịch vụ hậu cần cảng.

 

+ Từng bước đầu tư phát triển và hình thành Khu đô thị Vạn Tường và Khu đô thị Dốc Sỏi.

 

+ Hoàn thành đầu tư và khai thác Khu du lịch Thiên Đàng; đầu tư phát triển một bước Khu du lịch sinh thái Vạn Tường.

 

+ Khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển các dịch vụ tài chính, ngân hàng, thương mại, viễn thông, dịch vụ cảng...

 

- Tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng và dịch vụ tiện ích:

 

+ Hạ tầng kỹ thuật: xây dựng kè chắn cát và đê chắn sóng cảng Dung Quất; các tuyến giao thông trục chính, quan trọng; hệ thống cầu cảng cá và kè sông Trà Bồng; hệ thống cấp, thoát nước Khu công nghiệp phía Tây, Khu công nghiệp phía Đông. Từng bước đầu tư phát triển hệ thống cảng biển nước sâu Dung Quất theo Quyết định số 707/2002/QĐ-TTg ngày 26 tháng 08 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ.

 

+ Hạ tầng khu công nghiệp (KCN), dịch vụ, du lịch, nhà ở: Phân khu công nghiệp Sài Gòn - Dung Quất, Phân khu công nghiệp Sài Gòn - Quảng Ngãi và Phân khu công nghiệp nhẹ, Cụm công nghiệp điện tử; Khu đô thị Dốc Sỏi, các khu chung cư cho cán bộ và công nhân, đô thị Khu trung tâm phía Bắc Vạn Tường và Khu dân cư - chuyên gia, các khu du lịch sinh thái.

 

+ Hạ tầng xã hội và môi trường: xây dựng Trung tâm văn hóa - thể thao; Trường phổ thông quốc tế; các công viên, lâm viên; Trung tâm phòng cháy, chữa cháy; các khu tái định cư; trụ sở làm việc của Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất; Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật nông nghiệp; khu xử lý chất thải rắn, hệ thống thoát nước mưa và xử lý nước thải; trồng rừng phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái, tạo điều kiện phát triển bền vững.

 

+ Tập trung phát triển và đáp ứng nguồn nhân lực: tiếp tục xây dựng, nâng quy mô và chất lượng đào tạo của Trường Đào tạo nghề Dung Quất.

 

3. Phương hướng phát triển các ngành và lĩnh vực đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020

 

a) Về phát triển công nghiệp: tập trung phát triển một số ngành công nghiệp chủ yếu sau:

 

- Công nghiệp lọc dầu và hóa dầu - hóa chất:

 

+ Hoàn thành việc xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất vào năm 2009, đạt công suất 6,5 triệu tấn dầu thô/năm; đồng thời, chuẩn bị hướng mở rộng việc đầu tư chế biến dầu chua.

 

+ Phát triển công nghiệp hóa dầu, hóa chất, bao gồm: Nhà máy Polypropylene, Nhà máy Cacbon Black, Nhà máy Sản xuất chất tẩy rửa, Nhà máy Sản xuất gas hóa lỏng, Nhà máy Sợi tổng hợp Polystyren, Nhà máy Sản xuất sôđa, Nhà máy Sản xuất hóa chất cơ bản, Nhà máy Sản xuất lốp cao su, Nhà máy Methyl Tetiary Butyl Etther, Nhà máy Sản xuất sợi tổng hợp, Nhà máy Sản xuất khí công nghiệp, Tổng kho xăng dầu. Tổng diện tích khoảng 350 - 400 ha; dự kiến vốn đầu tư khoảng 850 triệu USD - 1,0 tỷ USD.

 

- Công nghiệp cơ khí, luyện kim; hình thành cụm công nghiệp thép: sản xuất phôi thép và các sản phẩm từ thép; sản xuất linh kiện và lắp ráp ô tô; sản xuất động cơ xăng đa dụng, động cơ diesel, bồn chứa khí; sản xuất container và các loại thiết bị nặng...; phát triển công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thủy loại lớn, cùng các nhà máy phụ trợ để hình thành cụm công nghiệp liên hợp tàu thủy.

 

- Công nghiệp vật liệu xây dựng: phát triển sản xuất xi măng và bê tông, gốm sứ vệ sinh, tấm lợp trần và đồ nội thất bằng nhựa, ống nhựa PVC, các sản phẩm kết cấu thép xây dựng và trang trí nội thất.

 

- Công nghiệp nhẹ và công nghiệp chế biến thực phẩm: phát triển các ngành công nghiệp dệt may, da giày, điện - điện tử và các ngành chế biến sản phẩm từ nông, lâm, thủy sản, đồ gỗ xuất khẩu....

 

b) Phát triển dịch vụ hậu cần cảng biển, thương mại và dịch vụ, du lịch:

 

- Phát triển dịch vụ cảng biển và hình thành khu bảo thuế:

 

+ Tập trung phát triển dịch vụ hậu cần cảng biển như hệ thống kho bãi, các cảng cạn, công nghiệp bốc xếp vận tải biển, vận tải biển gắn với cảng.

 

+ Phát triển Khu bảo thuế với các hoạt động chủ yếu được quy định tại Điều 8, khoản 1 Điều 9, Điều 10, các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 11 trong Quyết định số 50/2005/QĐ-TTg ngày 11 tháng 03 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động Khu kinh tế Dung Quất tỉnh Quảng Ngãi. Dự kiến xây dựng Khu bảo thuế I với diện tích khoảng 200 ha gắn với cảng biển Dung Quất, Khu bảo thuế II với diện tích khoảng 200 ha gắn với phía Nam sân bay Chu Lai.

 

- Phát triển thương mại và dịch vụ: xây dựng một Trung tâm thương mại tại Khu đô thị Vạn Tường và Khu thương mại tại khu đô thị Dốc Sỏi. Đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ tổng hợp như: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm dịch vụ...

 

- Phát triển du lịch:

 

+ Phát triển các tuyến du lịch giữa Khu kinh tế Dung Quất với các khu vực khác; tạo ra nhiều loại hình du lịch như du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái, thăm quan di tích lịch sử, cách mạng.

 

+ Xây dựng các khu vui chơi, giải trí, điểm thăm quan du lịch; tăng cường xây dựng cơ sở vật chất của ngành du lịch. Tập trung phát triển Khu du lịch Vạn Tường giai đoạn I (đến năm 2010) với diện tích 250 ha, Khu du lịch sinh thái Thiên Đàng - Khe Hai với diện tích 170 ha.

 

c) Phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản:

 

- Phát triển nông nghiệp với các ngành sản xuất hướng vào cung cấp nguyên liệu, rau quả, thực phẩm chất lượng cao cho Khu kinh tế Dung Quất. Đầu tư khai hoang, tạo quỹ đất sản xuất; xây dựng Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật nông nghiệp để hỗ trợ kỹ thuật, giống cho các hộ dân tái định cư và nhân dân trong vùng.

 

- Đẩy nhanh công tác trồng rừng phòng hộ và rừng chắn cát ven biển.

 

- Phát triển ngành thủy sản theo hướng áp dụng giống mới và công nghệ tiên tiến; đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt và nước lợ thành ngành sản xuất hàng hóa với quy mô phù hợp. Chú trọng tới giải pháp quy hoạch và có biện pháp bảo vệ tài nguyên biển trong khu vực.

 

- Tạo điều kiện giải quyết việc làm và nâng cao đời sống dân cư, nhất là các hộ dân tái định cư trong Khu kinh tế Dung Quất; từng bước mở rộng và phát triển các ngành, các lĩnh vực dịch vụ để góp phần chuyển đổi ngành nghề, cơ cấu kinh tế cho dân cư trong Vùng.

 

d) Phát triển một số lĩnh vực xã hội:

 

- Đến năm 2010, tỷ lệ lao động có trình độ từ công nhân kỹ thuật trở lên chiếm 35% - 40% so với tổng số lao động của Khu Kinh tế và phấn đấu đến năm 2015 đạt tỷ lệ từ 60% - 65%.

 

- Phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực: đa dạng hóa các loại hình đào tạo; từng bước thành lập một số trường chuyên nghiệp và dạy nghề. Mở rộng, nâng cấp Trường Đào tạo nghề Dung Quất thành Trường Cao đẳng nghề để đáp ứng nhu cầu nhân lực tại chỗ. Có chính sách ưu đãi nhằm thu hút các chuyên gia, cán bộ quản lý và lao động kỹ thuật giỏi đến làm việc tại Khu kinh tế Dung Quất; cho phép nước ngoài mở trường phổ thông quốc tế....

 

- Tập trung xây dựng Bệnh viện quy mô 300 giường (giai đoạn I: 100 giường).

 

- Tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh Trung tâm văn hóa - thể thao đa năng; khuyến khích và cho phép các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí theo quy định của pháp luật. Hoàn thành và đưa vào khai thác hiệu quả Đài thu phát truyền hình Dung Quất.

 

- Xây dựng các công trình tiện ích xã hội như: trường phổ thông quốc tế, Trung tâm phòng cháy, chữa cháy, Trung tâm hỗ trợ phát triển nông nghiệp, Lâm viên Vạn Tường, Công viên văn hóa Vạn Tường và các công trình xã hội, văn hóa khác.

 

đ) Xây dựng, phát triển điểm dân cư và đô thị:

 

- Khu đô thị Vạn Tường: xây dựng đô thị Vạn Tường trở thành thành phố công nghiệp và dịch vụ; được quy hoạch theo tiêu chuẩn hiện đại. Quy mô thành phố khoảng 2.400 ha, bao gồm các phân khu chức năng sau: Khu dân cư chuyên gia 178 ha, Khu trung tâm phía Bắc 180 ha, Khu trung tâm phía Nam 817 ha, Khu du lịch sinh thái 432 ha... Tại đây sẽ từng bước đầu tư phát triển các lĩnh vực như hạ tầng đô thị, nhà ở, các dịch vụ về y tế, giáo dục, tài chính, thương mại....

 

- Khu đô thị Dốc Sỏi: lập quy hoạch chi tiết và từng bước xây dựng hạ tầng đô thị Dốc Sỏi trở thành đô thị phụ trợ phía Tây Khu kinh tế Dung Quất, gắn với thị trấn Châu Ổ (huyện lỵ Bình Sơn).

 

- Hệ thống các khu dân cư: từ nay đến năm 2010, tiến hành triển khai đầu tư và hoàn thành việc xây dựng hạ tầng cho 5 khu dân cư tập trung: Khu Tây Bắc thành phố Vạn Tường, Khu phía Đông sông Trà Bồng, Khu phía Tây sông Trà Bồng, Khu Dốc Sỏi và Khu Bình Thuận.

 

- Các khu nghĩa trang: chủ yếu mở rộng ở phía Tây Quốc lộ 1 và thí điểm xây dựng nghĩa trang nhân dân.

 

e) Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng:

 

- Phát triển cảng nước sâu Dung Quất:

 

Hệ thống cảng Dung Quất bao gồm Khu cảng Dầu khí, Khu cảng Tổng hợp, Khu cảng chuyên dùng, Khu cảng thương mại phục vụ cho Khu bảo thuế và cảng trung chuyển container quốc tế; các hạng mục khác như đê chắn sóng dài 1.600 m, kè chắn cát dài 1.700 m, kè sông Cửa Đầm và sông Trà Bồng, nạo vét khu quay tàu và luồng tàu và các dịch vụ phụ trợ, hậu cần cảng.

 

Cảng Dung Quất được đầu tư xây dựng để bảo đảm khối lượng hàng hóa thông qua khoảng 20 triệu tấn/năm vào năm 2010 và khoảng 34 triệu tấn/năm vào năm 2020.

 

+ Khu cảng Dầu khí: lượng hàng hóa thông qua là 6,1 triệu tấn dầu sản phẩm/năm và xây dựng 01 bến phao để nhập dầu thô cho tàu dầu có trọng tải từ 80.000 tấn - 110.000 tấn tại vịnh Việt Thanh.

 

+ Khu cảng Tổng hợp được chia thành 2 phân khu cảng: phân khu cảng Tổng hợp 1 ở ngay sau Khu cảng Dầu khí; đảm bảo cho các tàu có trọng tải từ 5.000 tấn - 50.000 tấn ra vào. Phân khu cảng Tổng hợp 2 ở phía Nam vịnh Dung Quất, bên tả sông Đập.

 

+ Khu cảng Chuyên dùng: gắn với Khu công nghiệp liên hợp tàu thủy, khu xây dựng Nhà máy Luyện cán thép và các Nhà máy Công nghiệp nặng.

 

+ Khu cảng Thương mại: phục vụ cho Khu bảo thuế và 01 cảng trung chuyển container quốc tế nằm tại vị trí giữa Khu cảng Chuyên dùng và Khu cảng Tổng hợp 2.

 

- Phát triển mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt:

 

+ Đường bộ: từ nay đến năm 2010, tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thành các tuyến đường đang triển khai đầu tư và các tuyến đường đã quy hoạch. Xây dựng đường Dung Quất nối với đường Hồ Chí Minh theo hướng Trà My - Trà Bồng - Bình Long - Ngã ba Nhà máy lọc dầu - cảng Dung Quất, quy hoạch và xây dựng tuyến đường Trị Bình - cảng Dung Quất, xây dựng tuyến đường ven biển Vạn Tường nối với tuyến Dung Quất - Sa Huỳnh, xây dựng một số tuyến đường trục chính của đô thị Vạn Tường.

 

+ Đường sắt: xây dựng tuyến đường sắt nhánh nối cảng Dung Quất với tuyến đường sắt Bắc - Nam và Ga hàng hóa Trị Bình.

 

- Phát triển hệ thống cấp điện:

 

Nguồn cung cấp điện cho Khu kinh tế Dung Quất lấy từ lưới điện quốc gia 500/220 KV từ Pleiku (Gia Lai) và Cầu Đỏ (Đà Nẵng) dẫn đến trạm giảm áp chính trong khu vực 220/110 KV; từ các trạm này, điện 110 KV được dẫn đến các trạm 110/22 KV để cấp điện cho Khu kinh tế Dung Quất.

 

- Phát triển hệ thống cấp, thoát nước, xử lý nước thải và chất thải rắn:

 

+ Cấp nước: nguồn nước lấy từ Nhà máy nước Dung Quất; giai đoạn đầu công suất 15.000 m3/ngày đêm; tiếp tục triển khai đầu tư mở rộng, nâng công suất để đáp ứng nhu cầu cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của Khu kinh tế Dung Quất.

 

Hoàn thành việc xây dựng hồ chứa Nước Trong và nghiên cứu xây dựng thêm các hồ chứa trên sông Trà Khúc để bổ sung nước cho Thạch Nham và cấp nước cho Khu kinh tế Dung Quất; phấn đấu công suất cấp nước đạt 115.000 m3/ngày đêm. Bảo đảm cấp nước sinh hoạt là 150 lít/người/ngày đêm, với tỷ lệ hộ được cấp nước sạch đạt 85%. Cấp nước cho công nghiệp khoảng từ 50 - 60 m3/ha/ngày.

 

+ Thoát nước, xử lý nước thải và chất thải rắn: xây dựng hệ thống thoát nước thải được dẫn theo các trục đường phía Bắc, phía Đông, phía Nam thuộc các Khu công nghiệp phía Đông, phía Tây, Khu lọc, hoá dầu và hệ thống thoát nước của đô thị Vạn Tường. Xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung tại Khu công nghiệp phía Đông, phía Tây và Khu lọc, hoá dầu và Khu đô thị Vạn Tường. Nước thải được quy hoạch tách riêng nước mưa, nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp để xử lý. Các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh phải xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn A trước khi xả ra sông, biển. Quản lý và xử lý nước thải, chất thải rắn phải bảo đảm tiêu chuẩn về giữ gìn vệ sinh môi trường.

 

- Xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp:

 

Tập trung hoàn thành việc đầu tư xây dựng và mở rộng hệ thống hạ tầng kỹ thuật Phân khu Công nghiệp Sài Gòn - Dung Quất từ 118 ha lên 170 ha; hạ tầng kỹ thuật Cụm liên hợp lọc, hóa dầu, hóa chất 600 ha; Phân khu Công nghiệp nặng 600 ha; Phân khu Công nghiệp Sài Gòn - Quảng Ngãi 133 ha; Phân khu Công nghiệp nhẹ 200 ha; Cụm công nghiệp công nghệ cao khoảng 100 ha đến năm 2010.

 

- Phát triển hệ thống giao thông công cộng như xe buýt, xe điện....

 

g) Bảo vệ môi trường và phát triển công nghệ.

 

- Quy hoạch và xây dựng hệ thống xử lý chất thải rắn, nước thải cho từng cơ sở sản xuất và toàn Khu kinh tế Dung Quất. Hoàn thành việc xây dựng Trung tâm quan trắc - giám sát môi trường. Đầu tư trồng mới khoảng 4.000 ha rừng phòng hộ và tạo cảnh quan môi trường. Xây dựng quy chế và kiểm tra nghiêm ngặt việc bảo vệ môi trường. Xây dựng, tổ chức hệ thống quản lý môi trường gắn với hệ thống quan trắc môi trường quốc gia. Tăng cường năng lực quản lý môi trường; giám sát, quan trắc môi trường trong giai đoạn xây dựng và trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

- Hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới công nghệ sản xuất, áp dụng có hiệu quả các tiêu chuẩn quốc tế. Thực hiện tốt việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Phát triển các dịch vụ kỹ thuật, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đăng ký chất lượng sản phẩm.

 

5. Danh mục các công trình quan trọng và các dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư giai đoạn 2006 - 2010 và giai đoạn 2011 - 2015

 

           

 

        Xin vui lòng kích vào đây để xem chi tiết danh mục.

 

 

 


 

 

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020

 

(Theo Quyết định số 66/QĐ-UBND ngày 27 tháng 10 năm 2006 của UBND tỉnh)

 

          1. Công nghiệp lọc dầu, hoá chất và dược phẩm

         Xây dựng ngành công nghiệp hoá chất trở thành ngành quyết định sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh và đưa công nghiệp của tỉnh phát triển ngang tầm với các tỉnh mạnh trong khu vực. Các công trình dự kiến đầu tư chủ yếu như sau:

- Giai đoạn 2006 - 2010: Nhà máy lọc dầu Dung Quất, công suất 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, vốn đầu tư 2.500 triệu USD.

- Giai đoạn 2011 - 2020Nhà máy hoá dầu Polypropylen (nhựa PP), nhà máy sản xuất nhựa Polystylen (PS), nhà máy LAB, nhà máy sản xuất gas hoá lỏng (PLG), nhà máy sản xuất  N-Parafin, nhà máy sản xuất chất tẩy rửa công nghiệp.

2.  Công nghiệp gia công kim loại, đóng tàu và điện tử tin học

Đến năm 2010 giá trị sản lượng đạt 1.380 tỷ đồng, năm 2015 đạt 3.654 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006 – 2010 là 55%/năm, giai đoạn 2011 – 2020 là 16%/năm.

 - Giai đoạn 2006 – 2010Đầu tư cơ sở đóng sửa tàu biển trọng tải lớn từ 100.000 DWT đến 400.000 DWT, cơ sở đúc và cán phôi thép cho chế tạo chi tiết lớn của tàu thủy. Sản xuất xích neo tàu thủy công suất 150.000 tấn/năm, cơ sở sản xuất thiết bị phi tiêu chuẩn công suất 15.000 tấn/năm, nhà máy thép liên hợp công suất 4,5 – 5 triệu tấn/năm.

- Giai đoạn 2011 – 2020Ngoài việc đầu tư chiều sâu đổi mới và hoàn thiện công nghệ, kêu gọi đầu tư thêm một số cơ sở chế tạo phục vụ cho ngành công nghiệp đóng tàu…Phát triển công nghệ phần mềm, kỹ thuật công nghệ cao. Dự kiến đến năm 2020, cung cấp tại chỗ các kỹ thuật viên tin học cho các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hướng xuất khẩu tại chỗ phần mềm.

3. Công nghiệp chế biến nông- lâm- thuỷ sản, thực phẩm và đồ uống

Đến năm 2010 ngành chế biến nông- lâm- thủy sản, thực phẩm đạt khoảng 2.249 tỷ đồng giá trị sản xuất công nghiệp (giá 1994), tăng gần 2 lần so với năm 2005. Tăng trưởng bình quân trong giai đoạn này là 13%/năm; năm 2015 và 2020 đạt giá trị là 3.960 tỷ đồng và 6.388 tỷ đồng.

a) Công nghiệp chế biến thuỷ sản và súc sản:

Đến năm 2010 đạt sản lượng 10.000 tấn sản phẩm trong đó xuất khẩu 8.000 tấn thủy sản. Về súc sản, chế biến xuất khẩu đạt 4.000 tấn/năm bao gồm cả thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm.

- Giai đoạn 2006 – 2010: Đầu tư chiều sâu, phát huy 100% công suất các nhà máy hiện có, phấn đấu đạt chỉ tiêu HACCP để có thể xuất khẩu trực tiếp sang thị trường EU và Bắc Mỹ…

Đầu tư xây dựng mới nhà máy chế biến súc sản hiện đại, công suất 4.000 tấn/năm, nhà máy chế biến súc sản đông lạnh, thức ăn phối chế sẵn, đồ hộp…công suất 5.000 tấn/năm.

- Giai đoạn 2011 – 2020: Đầu tư xây dựng mới các nhà máy chế biến thủy sản hiện đại, sản phẩm chủ yếu là mặt hàng giá trị gia tăng cao cung cấp cho mạng lưới siêu thị.

b) Công nghiệp chế biến mía đường, các sản phẩm sau đường và đồ uống:

- Giai đoạn 2006-2010:

Đầu tư xây dựng nhà máy ván ép từ dăm bã mía ở Khu công nghiệp Phổ Phong, công suất 10.000 m3/năm.

+ Thực hiện dự án Nhà máy Bia Sài Gòn và đầu tư chiều sâu nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng, công suất 100 triệu lít/năm. (Vốn đầu tư khoảng 880 tỷ đồng).

+ Đầu tư xây dựng mới nhà máy sữa, mở rộng sản xuất nước khoáng.

- Giai đoạn 2011-2020:  đầu tư nâng công suất các nhà máy hiện có.

c) Công nghiệp chế biến nông sản khác:

- Giai đoạn 2006-2010:

+ Đầu tư nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi ở Khu Công nghiệp Phổ Phong, công suất 30.000 tấn/năm.

+ Đầu tư nhà máy chế biến thức ăn nuôi tôm, công suất 10.000 tấn/năm.

- Giai đoạn 2011-2020:

+ Đầu tư chiều sâu nhà máy chế biến bột ca cao, kẹo bánh có sử dụng ca cao, sản phẩm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

+ Đầu tư nhà máy chế biến tinh bột ngô ở huyện Sơn Tịnh, công suất 10.000 tấn/năm.

+ Đầu tư nhà máy sản xuất bột dinh dưỡng từ ngô, lạc, đậu đỗ, bột sữa… ở Khu Công nghiệp Phổ Phong, công suất 10.000 tấn/năm.

4. Công nghiệp chế biến đồ gỗ - lâm sản

- Đến năm 2010, sản xuất được 25.000 m3 sản phẩm gỗ xuất khẩu, đạt giá trị sản xuất công nghiệp 142 tỷ đồng (giá 1994), tốc độ tăng bình quân ở giai đoạn 2006-2010 là 18%/năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu 25 triệu USD.

- Đến năm 2020 đạt giá trị sản xuất công nghiệp 576 tỷ đồng (giá 1994). Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011-2020 là 15%/năm. Sản xuất được 75.000 m3 sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu, đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu 60-70 triệu USD.

         5. Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, gốm sứ, thuỷ tinh

Đảm bảo nhu cầu về xây dựng trong thời gian tới của tỉnh, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 là 479 tỷ đồng chiếm 2,1% trong cơ cấu công nghiệp toàn tỉnh. Năm 2015 và 2020 tương ứng đạt khoảng 1.095 tỷ đồng và 2.726 tỷ đồng. Tỷ trọng trong cơ cấu công nghiệp chiếm 3,8% vào năm 2015 và 6,2% vào năm 2020. Tốc độ tăng trưởng bình quân 35%/năm ở giai đoạn 2006-2010 và 19%/năm cho cả giai đoạn 2011-2020.

          6. Công nghiệp khai khoáng

          Quy hoạch khai thác khoáng sản gồm: khai thác đá xây dựng, đá ốp lát và đá xuất khẩu, cát sỏi, cao lanh, phụ gia xi măng, sét, gạch ngói, nước khoáng, grafit, silimanit.

          - Giá trị sản xuất công nghiệp ngành khai thác mỏ đến năm 2010 là 102,4 tỷ đồng, đến năm 2020 là 332,5 tỷ đồng.

          - Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006-2010 là 15%/năm và cả giai đoạn 2011-2020 là 12,5%/năm.

           7. Công nghiệp dệt- da -may- thêu đan

           - Giai đoạn 2006-2010: Đầu tư nhà máy may, công suất 2 triệu SP/năm, nhà máy sản xuất giày thể thao, công  suất 1 triệu đôi/năm.

          - Giai đoạn 2011-2020: Đầu tư thêm 2 nhà máy may, công suất mỗi nhà máy 2 triệu SP/năm, nhà máy sản xuất xơ PE, công suất 100 ngàn tấn/năm.

           8. Ngành tiểu thủ công nghiệp và làng nghề

Đến năm 2010 tạo thêm việc làm cho khoảng 14 ngàn lao động, giai đoạn 2011-2020 tăng thêm khoảng 15 ngàn lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.045 tỷ đồng (giá so sánh 1994) và 1.800 tỷ đồng vào năm 2020.

          Phát triển các nhóm ngành nghề tiểu thủ công nghiệp: bánh kẹo, song mây đan xuất khẩu, sản phẩm từ tre, sản phẩm từ gạo, nước mắm, mộc dân dụng, gốm sứ.

          9. Công nghiệp điện, nước

a)  Công nghiệp sản xuất và phân phối điện:

Đến năm 2010 phấn đấu sản lượng điện thương phẩm ước đạt khoảng 513 tỷ Kwh. Điện năng tiêu thụ đầu người đạt 329,1 Kwh/người.

Về nguồn điện:

+ Giai đoạn 2006-2010: Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng thuỷ điện DakDring với công suất 100MW và thuỷ điện Nước Trong,  xúc tiến đầu tư nhà máy nhiệt điện tại Dung Quất, đầu tư xây dựng một số thuỷ điện vừa và nhỏ trên thượng nguồn sông Trà Khúc, Trà Bồng, Ba Tơ và phong điện ở Lý Sơn.

+ Giai đoạn 2011-2020: Đầu tư xây dựng các thuỷ điện bậc thang trên sông Trà Khúc, đầu tư giai đoạn II nhà máy nhiệt điện tại Dung Quất lên 250-300 MW.

-  Trạm và đường dây tải điện:

+ Giai đoạn 2006- 2010: Tiếp tục đầu tư và hoàn thiện trạm biến áp 500 KV và đường dây cao thế 500 KV Pleiku - Dung Quất đáp ứng nhu cầu phát triển của Khu kinh tế Dung Quất.

b)  Công nghiệp sản xuất và phân phối nước:

Định hướng và mục tiêu phát triển: Phấn đấu đến năm 2010 tất cả các khu đô thị đều có các nhà máy cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất.

- Giai đoạn 2006- 2010: Nâng cấp hệ thống cấp nước thành phố Quảng Ngãi lên 30.000m3/ngày-đêm; tiếp tục việc thực hiện đầu tư nhà máy nước Dung Quất giai đoạn II lên 100.000m3/ngày-đêm; nâng công suất các hệ thống cấp nước hiện có; đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước mới cho khu, cụm công nghiệp đã quy hoạch, nghiên cứu và đầu tư xây dựng 01 nhà máy nước phục vụ dịch vụ nghề cá và dân sinh tại huyện đảo Lý Sơn.

          - Giai đoạn 2011-2020: Cải tạo hệ thống cấp nước và nâng công suất của nhà máy nước tại thành phố Quảng Ngãi; hoàn chỉnh giai đoạn II nhà máy nước Dung Quất lên 100.000 m3/ngày-đêm; tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh các nhà máy nước tại các thị trấn trên địa bàn các huyện và nâng công suất của các nhà máy này lên từ 1.500 - 2.000 m3/ngày-đêm với các huyện đồng bằng và khoảng 300 m3/ngày-đêm với các huyện miền núi.

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NGÃI

Địa chỉ: 52 Hùng Vương, Nguyễn Nghiêm, Quảng Ngãi

Điện thoại Ban Biên tập: 0255 3712 135 - Fax: 0255 3 822 217 - Email: bbt@quangngai.gov.vn

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Quốc Việt - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi

Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Ngãi.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này